Trọng dân – Một tư tưởng lớn của Bác Hồ

Trong báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng ngày 11-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Phải củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng”. Người chỉ rõ sự cần thiết phải củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng: Không có quần chúng thì không có lực lượng. Không có Đảng thì không có người lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ đường. Người nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”. “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn”.

Nói về trách nhiệm của Đảng đối với Tổ quốc và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm ngay trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”. “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được… Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt”. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng được thể hiện rất cụ thể ở đạo đức, thái độ, tác phong trong quan hệ với dân ở từng cán bộ đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai… phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo. Khi chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải lựa chọn “những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ là người lãnh đạo của họ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án gay gắt chủ nghĩa cá nhân. Người nói: “Hiện nay chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng, mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.

Theo Bác Hồ, Đảng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng nhân dân và hướng dẫn nhân dân, tổ chức thành lực lượng, thành phong trào hành động cách mạng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Còn các tầng lớp của nhân dân phải tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức. Nhân dân là nguồn bổ sung vô tận cho Đảng và luôn luôn tràn trề sức xuân. Trọng dân là thương dân, vì nhân dân mà phục vụ và biết coi trọng sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Biết bao những phần tử ưu tú trong giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động khác, đã trở thành đảng viên của Đảng. Quần chúng còn tham gia góp ý, phê bình sự lãnh đạo của Đảng với mong muốn Đảng luôn luôn trong sạch và vững mạnh để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến đích cuối cùng.

Khi Quốc hội tín nhiệm bầu Người làm Chủ tịch nước – Người trả lời các nhà báo: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận” (1). Người căm ghét thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí, quan liêu, móc ngoặc, tham nhũng… vì nó “là kẻ thù của nhân dân, của dân tộc, của Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta, nó là giặc nội xâm để làm hỏng công việc của ta. Người dạy: “Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”(2). Trước lúc đi xa Bác Hồ đã căn dặn toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên rằng: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng coi việc “làm đầy tớ” của nhân dân, phục vụ nhân dân, chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân là trách nhiệm, là vinh dự và niềm hạnh phúc.

Bác Hồ từng nói: Chúng ta có trọng dân, yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Tôn trọng và tin tưởng nhân dân là tôn trọng và tin tưởng những người làm ra lịch sử, những người sáng tạo ra của cải, vật chất, những người được sánh với Trời, Đất theo triết học phương Đông như Bác Hồ khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”.

Những lời dạy của Bác Hồ: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng…”, “Cán bộ, đảng viên là người đầy tớ trung thành của nhân dân…” là một tư tưởng lớn của Bác Hồ về trọng dân xuyên suốt từ ngày thành lập Đảng đến nay. Tư tưởng yêu nước, thương dân, trọng dân, suốt đời vì cách mạng, vì nhân dân mà hy sinh phấn đấu, không ham danh lợi, với một lối sống chân thực, giản dị, khiêm nhường của Bác Hồ là tấm gương đạo đức vô cùng trong sáng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chúng ta học tập và noi theo.

PhuthoPortal (Nguồn Website báo Đồng Nai)

Add Comment