Học Bác để làm người công bộc của Nhân dân

Tháng 9/1949, khi về thăm trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Bác Hồ đã trân trọng ghi vào sổ vàng truyền thống về việc đào tạo cán bộ: “Học để làm việc, Làm người, Làm cán bộ, Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.”

Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ (Ảnh minh họa từ Internet)

Đó là lơì dạy mang tính nhân văn sâu sắc và tầm cao trí tuệ của một bậc minh triết; định hướng xuyên suốt cho đường lối lựa chọn, giáo dục, đào tạo, sử dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta. Trong đó toát lên hai vấn đề cơ bản của một người cán bộ cách mạng mà Hồ Chí Minh quan tâm là đạo đức và tài năng. Người từng khẳng định muốn có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” thì Đảng phải quan tâm giáo dục, đào tạo cho họ cả hai mặt, không thiên về mặt nào. Nhưng bao giờ đức cũng là gốc, là trước hết.

“Học để làm việc” là một mệnh đề bao trùm, khẳng định. Vì rằng, con người muốn tồn tại và cao hơn là muốn làm việc có hiệu quả thì phải học, dù là làm việc gì, kể từ việc đơn giản nhất. Và cũng còn vì con người phải trải qua việc làm thực tế để rèn luyện và tu dưỡng bản thân, Qua đó, tổ chức Đảng phát hiện ra những người làm việc tốt có thể đào tạo tiếp, cao hơn, để trở thành cán bộ.

Sau “học để làm việc”, Bác đã giải thích và chỉ rõ phải đặt cái gì trước cái gì sau. Để làm được những công việc hay là nhiệm vụ của người cán bộ một cách xuất sắc, có ích cho Đảng, cho nước và cho Nhân dân, thì trước hết phải học để “làm người” đã!

Như vậy, Người yêu cầu phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trước tiên. Trong truyền thống văn hiến của nước ta nói chung và truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Hà Tĩnh nói riêng, bao giờ cũng “tiên học lễ hậu học văn”; nó trở thành truyền thống tốt đẹp vì đó là phương pháp giáo dục tối ưu, đúng đắn nhất đã được lịch sử hàng ngàn năm của đất nước minh chứng. Yêu cầu “làm người” trong thời đại Hồ Chí Minh lại càng phải nâng lên một tầm cao mới về chất vì sự nghiệp cách mạng của Người và của Đảng là cực kỳ vĩ đại. Người đã chỉ rõ cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, và giai đoạn sau là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Muốn hoàn thành mục tiêu vẻ vang mà Cương lĩnh vạch ra, đòi hỏi Đảng phải có một đội ngũ cán bộ và đảng viên có đủ đức đủ tài mới có thể gánh vác nhiệm vụ tiến hành sự nghiệp cách mạng một cách triệt để, không ngừng; trong đó yêu cầu tu dưỡng đạo đức cán bộ là hàng đầu. Vì chỉ người thật sự có đạo đức cách mạng mới đủ ý chí, bản lĩnh chấp nhận gian khổ hy sinh để cùng Đảng phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng XHCH. Đó là một thời kỳ quá độ, mà Người đã nói là hết sức lâu dài, khó khăn và gian khổ. Trước đòi hỏi đó của sứ mệnh lịch sử đặt lên vai Đảng ta, thì tất yếu Đảng phải xây dựng một đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ mới đủ sức lôi cuốn, dẫn dắt, lãnh đạo được nhân dân, được nhân dân ủng hộ và làm theo! Phải luôn thấm nhuần chân lý: sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chứ không phải là sự nghiệp của một cá nhân anh hùng nào!

Trong sự nghiệp 85 năm qua của Đảng ta, những chiến sỹ Cộng sản, những người học trò thế hệ tiền bối cách mạng được Bác Hồ giáo dục, đào tạo đã trở thành những người có đức có tài song toàn. Từ Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…và biết bao chiến sỹ Cộng sản khác đã không hề nao núng trước sự tù đày, tra tấn dã man, trước mũi súng man rợ của bọn để quốc tay sai, luôn giữ vững khí tiết cách mạng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng đến hơi thở cuối cùng. Trước cái chết họ vẫn sáng ngời niềm tin tất thắng! Sự hy sinh oanh liệt của họ đã xây đắp nên thắng lợi huy hoàng của cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc rạng rỡ như ngày nay.

Sau học “làm người”, thì mới có thể “làm cán bộ”. Vì cán bộ là ai? Như Bác đã từng dạy: cán bộ là công bộc của dân, là người đầy tớ trung thành của Nhân dân, gánh vác việc chung cho Nhân dân. Do đó, nếu không phải là người có đạo đức cách mạng thì không thể làm và không xứng đáng làm cán bộ của Nhân dân được. Bác nói: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, người có tài mà không có đức là người vô dụng”! Vô dụng vì Đảng và dân không thể trao quyền hành Nhà nước cho những kẻ vô đạo đức để họ tác oai, tác quái được! Vì thế, chỉ sau khi đã thật sự xứng đáng “làm cán bộ” thì mới có thể nói là “phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Người kết luận “Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người đã từng giải thích rất rõ về những đức tính của người cán bộ cách mạng, với đại ý: cần là tăng năng suất trong công tác bất kỳ công tác gì; kiệm là tiết kiệm thì giờ, tiền của của Nhà nước và của nhân dân; Liêm là liêm khiết, không tham ô của Nhà nước và của Nhân dân; Chính tức là thấy việc phải dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh. Và Người còn khẳng định bốn đức tính ấy không thể thiếu cái nào, nếu thiếu một đức thì không thành người.

Từ lời dạy trên của Bác, phát huy truyền thống ham học hỏi và đức tính chịu khó, cần cù của quê hương, ngoài ôn lại những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường và trên giảng đường đại học, để hoàn thành tốt nhiệm vụ là một công bộc của Nhân dân, mỗi một cán bộ, công chức, viên chức ngày nay nhất là cán bộ trẻ luôn xác định cho mình phải cố gắng học hỏi từ kinh nghiệm thực tiễn của bạn bè, đồng nghiệp đi trước để hoàn thiện mình, tự nghiên cứu, tìm tòi các tài liệu, sách báo để trong công việc luôn hoàn thành ở mức cao nhất, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với người cán bộ, công chức ngoài giữ thái độ tôn trọng, yêu mến Nhân dân, đối với đồng nghiệp và bạn bè phải đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ khó khăn, mất mát đối với đồng bào bị thiên tai, khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sông… thì có thể nói đức tính cần cù, chịu khó, nhẫn nại là rất cần thiết, nhất là khi tiếp dân, tham mưu cho lãnh đạo các văn bản liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của Nhân dân. Bên cạnh đó thì việc tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội cũng là điều mà mỗi công chức cần phải thực hiện. Thực hiện việc tiết kiệm theo tinh thần Nghị quyết 11 của Thủ tướng chính phủ cũng như thực hiện tốt Chỉ thị số 35 của BTV Tỉnh ủy “Về xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang” cũng chính là cách mà mỗi người cán bộ, công chức, viên chức của Hà Tĩnh thể hiện được tình yêu đối với quê hương, đất nước.

Tự hào với truyền thống của quê hương xứ Nghệ, cho tôi được mượn trang giấy nhỏ này để nói lên tình yêu với quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống và lịch sử của cha, anh ngày trước, để viết tiếp hành trang của tuổi trẻ thời đại mới: Sống, học tập, lao động theo tấm gương đạo đức của Người để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Bởi trong dòng máu Hà Tĩnh đang lan tỏa trong những trái tim tuổi hai mươi chúng tôi là cả một quyết tâm lớn lao, cùng đoàn kết, góp sức xây dựng quê hương Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp hơn, như lời Bác Hồ đã dạy khi Người về thăm: “Phải làm cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên”./.

TIẾN DŨNG – BÌNH NGUYÊN

Add Comment